Trồng Trọt
Cần Thơ: Tổng kết mô hình xử lý rơm rạ trên đồng ruộng




Tập quán đốt đồng sau khi thu hoạch lúa để xuống giống tiếp tục vụ lúa thu đông là việc làm lâu đời của người nông dân, điều này dẫn đến gây ô nhiễm môi trường, ngộ độc hữu cơ, gây mất cân bằng sinh thái. Ngoài ra, dinh dưỡng trong đất bị lấy đi mà không được bù đắp dẫn đến tình trạng cây lúa sinh trưởng và phát triển kém, gây thất thu năng suất.

Nhận thấy việc xử lý rơm rạ sau thu hoạch bằng chế phẩm sinh học là cần thiết, Trung tâm Khuyến nông – Khuyến ngư Cần Thơ đã thực hiện triển khai mô hình Ứng dụng chế phẩm sinh học để xử lý rơm rạ trên đồng ruộng tại khu vực Phúc Lộc 2, phường Thạnh Hòa, quận Thốt Nốt, TP.Cần Thơ với quy mô 30 ha và 30 hộ tham gia.

Mô hình được triển khai thực hiện từ tháng 5 đến tháng 9 năm 2016. Các hộ tham gia mô hình được hướng dẫn kỹ thuật xử lý rơm rạ trực tiếp trên đồng ruộng và được hỗ trợ 100% lúa giống (định mức 100 kg/ha, giống lúa OM 5451 cấp xác nhận), 30% vật tư phân bón, thuốc BVTV theo yêu cầu mô hình từ nguồn kinh phí nhà nước.

Sau hơn 3 tháng triển khai xây dựng mô hình, Trung tâm Khuyến nông – Khuyến ngư đã tiến hành hội thảo tổng kết đánh giá hiệu quả kinh tế do mô hình mang lại, tham dự hội thảo có đại diện Trung tâm Khuyến nông – Khuyến ngư, Phòng Kinh tế, Trạm Khuyến nông Quận Thốt Nốt, UBND Phường Thạnh Hòa cùng với các hộ tham gia mô hình và các hộ lân cận đến học tập kinh nghiệm.

Tại hội thảo ông Cao Văn Tây đại diện các hộ dân tham gia mô hình tự nhận xét: được sự quan tâm hỗ trợ của Nhà nước chúng tôi đã học tập được kỹ thuật mới đó là sử dung chế phẩm Nấm Trichoderma để xử lý rơm rạ trực tiếp trên đồng ruộng, ruộng lúa không còn hiện tượng ngộ độc hữu cơ như các vụ trước đây, phân sử dụng “nhẹ”, giảm chi phí trong sản xuất tăng cao lợi nhuận”.

Xử lý rơm rạ ngay tại đồng ruộng không những làm giảm hiện tượng ngộ độc hữu cơ, song song đó còn giảm ô nhiễm môi trường, ông Mai Nam – Trung tâm Khuyến nông – Khuyến ngư cho biết: “Rơm rạ sau khi thu hoạch lúa được nấm Trichoderma phân hủy ngay trên ruộng nên không gây ra hiện tượng ngộ độc hữu cơ, từ đó lượng khí CH4 phát sinh giảm nên giảm ô nhiễm môi trường, giảm phát thải khí nhà kính, điều này cũng góp phần xây dựng nền sản xuất nông nghiệp bền vững”.

Hiệu quả mang lại của mô hình đã rõ, ông Võ Thanh Tuấn, phó Chủ tịch UBND phường Thạnh Hòa nhận định: “Mô hình xử lý rơm rạ đã mang lại lợi nhuận cao hơn so với các hộ bên ngoài mô hình khoảng 30%, kỹ thuật áp dụng đã mang lại hiệu quả cao, bước đầu mô hình cũng tạo thành vùng liên kết sản xuất cho 30 hộ tham gia mô hình, điều này làm nền tảng để thành lập tổ liên kết sản xuất, tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp tiến hành bao tiêu sản phẩm”.

 



CÁC TIN KHÁC: